Phát biểu tại Tọa đàm tính đúng,áđiệncaochưachếtnhưngthiếuđiệnthìchếnarciso tính đủ để có giá điện phù hợp do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 31.10, PGS - TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng dù giá xăng dầu đã thị trường hóa, song giá điện vẫn giữ mức giá như Nhà nước quy định.
"Giá điện chúng ta giữ để hỗ trợ cho nhóm người yếu thế, nhưng bao cấp khá nặng nên mức giá khá thấp, trong khi chi phí về điện tăng rất cao mấy năm gần đây", ông Thiên nói và dẫn chứng các yếu tố đầu vào như tỉ giá, giá năng lượng khác đều tăng cao.
Trả giá cho câu chuyện này là thị trường mất cân bằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chia sẻ theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ, 6 tháng một lần nếu như các chi phí đầu vào qua kiểm toán, kiểm soát mà tăng thì phải điều chỉnh giá điện. Song thực tế 6 năm qua mới có 3 lần điều chỉnh giá điện.
Tất cả chi phí sản xuất đầu vào từ phát điện đến truyền tải, phân phối đến quản lý ngành, dịch vụ phụ trợ... tạo nên giá thành điện. Nhưng khi quyết định giá, vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát hay có những năm hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai... lại không tính đủ giá thành của điện vào trong giá.
Ông Thỏa cũng dẫn chứng, năm 2022, giá thành tăng 9,27% nhưng giá điện chỉ tăng 3%. Hệ lụy là khó khăn dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, nhà đầu tư không mặn mà đầu tư xây dựng hệ thống phát, truyền tải.
"Giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường. Đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán giá điện", ông Thỏa nêu.
Dẫn câu chuyện tính giá điện tại Đức, ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, cho biết người Đức trả khoảng 30 cent/kWh, một con số rất cao so với số tiền mà người dân Việt Nam đang chi trả.
Trước quan điểm cho rằng giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam thấp hơn nhiều nước do thu nhập người dân Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều, theo PGS - TS Trần Đình Thiên, giá điện của Việt Nam hiện nay không thấp mà đang cân bằng với thu nhập.
Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng nếu giá điện thấp thì lại khiến tiêu dùng điện nhiều, lãng phí, đồng thời không khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Khi đó, quy luật của thị trường sẽ phát huy tác dụng, đó là muốn tiêu dùng theo giá điện thấp sẽ không có điện dùng.
"Giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện, còn phần hỗ trợ của Nhà nước phải tách riêng ra vào phần an sinh xã hội. Tính bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường, không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp", ông Thiên nêu.
Phần bao cấp của Nhà nước cần tách riêng ra mới bảo đảm được giá điện tính đúng, tính đủ, không khuyến khích người sử dụng tiêu tốn quá nhiều năng lượng mà vẫn khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Nói cách khác, giá điện phải đúng để đảm bảo cân bằng sản xuất và tiêu dùng.
"Cao hơn nữa, nếu cứ duy trì giá điện thấp như hiện nay, có khả năng ta đang tạo ra bẫy công nghệ, tức là chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém thì ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế chung", nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận.
Đẩy nhanh thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng trong cơ cấu nguồn điện, rẻ nhất là thủy điện (chiếm 28%), còn lại là nguồn điện giá thành cao, nhất là nhiệt điện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như than, dầu, khí.
Ví dụ, giai đoạn thủy điện xuống mực nước thấp, chúng ta phải huy động nguồn giá cao để đảm bảo nhu cầu của cả nền kinh tế. Nếu tính đúng, khi sử dụng dầu sản xuất điện, giá thành điện sẽ lên đến 5.800 đồng/kWh; sử dụng than sản xuất điện, giá thành điện sẽ khoảng 2.500 - 2.800 đồng/kWh.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng giá điện phải đặt trong tổng thể tất cả câu chuyện về sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và với tất cả các chủ thể có liên quan. Ngoài việc tính đúng, tính đủ, phải phân định giữa giá điện nói chung và các chính sách hỗ trợ khác.
Cụ thể hơn, theo PGS - TS Trần Đình Thiên, việc tính đúng, tính đủ giá điện, các chi phí vào giá điện là rất cần thiết, không thể duy trì một mức giá bao cấp được.
"Như tôi đã có lần nói, "giá điện cao chưa chết nhưng mất điện thì chết", không có điện mới gay go. Nói vậy để thấy rằng công cụ giá hiện nay cần được đưa ra sử dụng một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất với nguyên tắc theo thị trường", ông Thiên nêu.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất sửa luật, trong đó có vấn đề về giá. Ngoài ra, cần đẩy nhanh xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; người tiêu dùng được phép lựa chọn những đơn vị nào có điện bán với giá hợp lý nhất, với điều kiện phục vụ tốt nhất.